Bitcoin – Hy vọng mới cho nền kinh tế đang khủng hoảng của Bhutan –> Bitcoin – Hi vọng mới cho kinh tế đang khủng hoảng của Bhutan

Nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Bhutan là quốc gia nhỏ bé không giáp biển. Ảnh: Global Finance

Tuy nhiên, trước những thách thức kinh tế ngày càng gay gắt và làn sóng di cư của giới trẻ, vương quốc Himalaya nhỏ bé không giáp biển nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc này đang thực hiện một bước đi táo bạo: khai thác Bitcoin – biểu tượng của tài chính số toàn cầu. Bước đi này cũng đưa Bhutan lên vị trí dẫn đầu trên toàn cầu trong việc áp dụng đổi mới tài chính nhờ vào Bitcoin.

Tại sao Bhutan chọn Bitcoin?

Bhutan là quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt mức phát thải carbon âm – một minh chứng cho cam kết bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Thế nhưng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế kéo dài, nước này đang tìm kiếm các nguồn thu nhập mới, hiệu quả hơn mà vẫn không phá vỡ những giá trị cốt lõi đó. Bitcoin – loại tiền kỹ thuật số tiêu tốn nhiều năng lượng nhưng có giá trị cao – đã được lựa chọn như một hướng đi chiến lược.

 

Thủ tướng Bhutan, ông Tshering Tobgay, chia sẻ việc khai thác Bitcoin thực chất là một chiến lược đơn giản nhưng hiệu quả.

“Nhiều người đã kiếm hàng tỷ USD từ hoạt động này. Vì vậy, tại sao các chính phủ không thể làm như vậy?”, ông nói. Đặc biệt vào mùa hè, khi thủy điện sản xuất vượt nhu cầu trong nước, nguồn năng lượng dư thừa đó có thể được sử dụng để vận hành các siêu máy tính giải mã thuật toán Bitcoin.

Bitcoin là gì và được khai thác như thế nào?

Bitcoin, ra đời năm 2008, là đồng tiền điện tử đầu tiên hoạt động phi tập trung, không thuộc quyền kiểm soát của bất kỳ chính phủ nào. Giao dịch Bitcoin được lưu trữ minh bạch trên công nghệ blockchain, và chỉ có tối đa 21 triệu đồng Bitcoin được “khai thác” trên toàn cầu – tính đến nay đã gần hết.

Khai thác Bitcoin là quá trình sử dụng máy tính có hiệu năng cực cao để giải các bài toán phức tạp. Khi giải thành công, máy sẽ được “thưởng” bằng Bitcoin mới. Đây chính là cách đồng tiền kỹ thuật số này đi vào lưu thông.

Cơ hội trong khủng hoảng

Hình ảnh minh họa đồng tiền điện tử Bitcoin. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Dù có diện tích tương đương Thụy Sĩ, phần lớn lãnh thổ Bhutan là đồi núi không thể canh tác. Đất nước 800.000 dân này nhập khẩu hầu hết lương thực từ Ấn Độ – nước láng giềng được Thủ tướng Tobgay mô tả là “người bạn thân thiết nhất”.

Ngành du lịch, chiếm hơn 10% GDP, từng là hy vọng lớn của Bhutan. Năm 2023, ngành này mang lại 334 triệu USD, trong khi GDP cả nước đạt khoảng 3,02 tỷ USD. Tuy nhiên, hậu quả từ đại dịch COVID-19 khiến lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh. Bhutan vốn kiểm soát lượng khách khá chặt chẽ, chỉ nhắm đến mô hình “ít nhưng chất lượng cao”, thu phí phát triển bền vững 100 USD/ngày đối với du khách quốc tế (15 USD với khách Ấn Độ). Nhưng ngay cả khi đã giới hạn lượng khách, họ vẫn gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu 300.000 lượt khách mỗi năm. Năm 2023, chỉ có khoảng 150.000 lượt khách đến Bhutan.

Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Bhutan đang ở mức cao đáng báo động – 19% năm 2024, vượt xa mức trung bình toàn cầu là 13,6%.

Một biểu hiện rõ ràng trong cuộc khủng hoảng ở Bhutan là làn sóng chảy máu chất xám. Giới trẻ có học thức và tay nghề đang rời khỏi đất nước để tìm kiếm cơ hội tại các quốc gia phát triển – đặc biệt là Australia. Từ năm 2016 đến 2021, số lượng người Bhutan di cư đến đây đã tăng gấp đôi. Riêng năm 2022, hơn 10% dân số có trình độ đã rời khỏi quê hương.

Để giữ chân nhân lực, Bhutan đã dùng chính Bitcoin làm đòn bẩy tài chính. Năm 2023, chính phủ bán 100 triệu USD tiền điện tử để tăng gấp đôi lương công chức. Nhờ đó, số người nghỉ việc trong khu vực nhà nước đã giảm đáng kể – từ gần 1.900 người trong quý I/2023 xuống còn 500 người trong quý I/2024.

Bhutan đang nắm giữ bao nhiêu Bitcoin?

Bhutan chưa từng công bố chính thức con số họ nắm giữ. Tuy nhiên, theo công ty phân tích blockchain Arkham, tính đến ngày 9/4/2025, Bhutan đang nắm lượng Bitcoin trị giá hơn 600 triệu USD – tương đương 30% GDP cả nước.

 

Ngoài Bitcoin, Bhutan cũng sở hữu một số đồng tiền điện tử khác như Ethereum hay LinqAI, tuy nhiên quy mô nhỏ hơn nhiều.

Khai thác Bitcoin có phù hợp với định hướng bền vững của Bhutan?

Ngạc nhiên thay, câu trả lời là có. Bhutan sở hữu nguồn năng lượng xanh dồi dào từ thủy điện và khí hậu ôn hòa, mát mẻ – đặc biệt lý tưởng cho các trung tâm dữ liệu vốn cần hệ thống làm mát liên tục.

Bảng điện tử hiển thị giá Bitcoin trên đà tăng trong phiên giao dịch ngày 12/11/2024. Ảnh minh họa: Yonhap/TTXVN

Ông Aditya Gowdara Shivamurthy, chuyên gia từ Quỹ Nghiên cứu Quan sát (ORF) có trụ sở tại New Delhi, nhận định đầu tư tư nhân vào Bhutan khá hạn chế. Nguyên nhân chính là vì quốc gia này kiên định với các mục tiêu bảo tồn: giữ nguyên 60% diện tích rừng tự nhiên, ưu tiên chỉ số hạnh phúc và phát triển bền vững thay vì công nghiệp hóa ồ ạt.

Thủ tướng Tshering Tobgay cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Ông cho biết Bhutan luôn rất thận trọng với các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là những ngành có nguy cơ gây tổn hại đến môi trường hoặc làm suy yếu bản sắc văn hoátruyền thống.

Tuy nhiên, khai thác Bitcoin lại không nằm trong những mối đe dọa ấy. Ông Shivamurthy cho rằng Bhutan có những lợi thế tự nhiên lý tưởng cho ngành công nghiệp này. Với khí hậu mát mẻ quanh năm – nhiệt độ trung bình từ 15 đến 30 độ C theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới – các trung tâm dữ liệu ở Thimphu và các vùng cao nguyên khác không cần dùng đến hệ thống làm mát phức tạp, vốn là yếu tố tiêu tốn nhiều điện trong quá trình vận hành siêu máy tính.

Chưa kể, Bhutan sản xuất nhiều thủy điện hơn mức tiêu thụ nội địa. Điều này mang đến cho họ một lợi thế hiếm có: nguồn năng lượng tái tạo dư thừa và ổn định.

Theo ông Ujwal Deep Dahal – CEO của Druk Holding and Investments, tập đoàn tài chính quốc gia Bhutan – khai thác Bitcoin là cách để “tối ưu hóa nguồn năng lượng xanh của đất nước”. Trong trường hợp giá điện xuất khẩu sang Ấn Độ không tốt, Bhutan giữ lại điện để phục vụ cho khai thác tiền số – một giải pháp linh hoạt và kinh tế hơn.

Ngoài ra, Bhutan còn phát triển một thành phố thông minh mang tên Gelephu, kết hợp giữa thương mại hiện đại và các giá trị truyền thống. Thành phố này sẽ bao gồm công viên quốc gia, khu bảo tồn động vật, các doanh nghiệp bền vững và cơ sở hạ tầng thân thiện môi trường.

Các quốc gia khác có đi theo mô hình Bhutan?

Dù từng dè chừng, nhiều quốc gia đang nhìn nhận lại vai trò của Bitcoin trong nền kinh tế.

Mỹ, vào tháng 3, Tổng thống Donald Trump, đã lập quỹ dự trữ Bitcoin chiến lược. El Salvador hiện nắm giữ gần 550 triệu USD Bitcoin.

Pakistan cũng vừa bổ nhiệm nhà sáng lập Binance, ông Changpeng Zhao, làm cố vấn cho Hội đồng tiền điện tử quốc giatrong bối cảnh quốc gia này cố gắng định vị mình là một quốc gia đi đầu về tiền điện tử ở Nam Á.

Còn Bhutan, tuy nhỏ bé, lại đang dẫn đầu về cách khai thác lợi ích từ tiền điện tử mà không đánh đổi môi trường hay bản sắc dân tộc. Đó là sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống và đổi mới, giữa tâm linh và công nghệ – điều khiến Bhutan trở thành một ví dụ hiếm hoi về quốc gia có thể vừa giữ được bản sắc, vừa tiến bước vào kỷ nguyên số một cách đầy bản lĩnh.

Đánh giá