Dư cung dầu mỏ: Nỗi lo trở lại trên thị trường

Giàn khoan dầu tại Luling, Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Tâm lý bi quan bao trùm

Không chỉ IEA, các nhà giao dịch dầu mỏ lớn nhất thế giới cũng đang cảnh báo về nguy cơ dư cung khi sản lượng tăng mạnh cả trong lẫn ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Bên lề Hội nghị Năng lượng thường niên CERAWeek, Chủ tịch Gunvor, Torbjörn Törnqvist, nhận định: “Ngành công nghiệp này đang khai thác quá mức. Chúng ta đang khoan dầu nhiều hơn mức tăng trưởng nhu cầu cho phép, cả bên trong lẫn bên ngoài OPEC”.

 

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn mới nhất rằng sản lượng dầu của Mỹ trong năm nay có thể tăng 400.000 thùng/ngày, đạt 13,6 triệu thùng/ngày. Điều này sẽ củng cố vị thế của Mỹ là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đồng thời là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu suy yếu.

Trong khi đó, tập đoàn tài chính Goldman Sachs Group Inc. đã hạ dự báo giá dầu do thuế quan làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ. Các nhà phân tích của Goldman dự báo giá dầu Brent cho tháng 12/2025 ở mức 71 USD/thùng, giảm 5 USD so với dự báo trước đó. Họ nói: “Những rủi ro trung hạn đối với dự báo của chúng tôi vẫn nghiêng về xu hướng giảm, do khả năng thuế quan tiếp tục leo thang và việc OPEC cùng các nước đối tác do Nga dẫn đầu, còn gọi là OPEC+, có thể kéo dài thời gian tăng sản lượng”. Nhiều nhà giao dịch dầu mỏ lớn trên thế giới ngày càng trở nên bi quan, trong đó Vitol Group và Gunvor Group cũng cảnh báo về tình trạng dư cung.

OPEC+ đang sản xuất nhiều dầu hơn, hoặc chính xác hơn, một số thành viên của nhóm này đang khai thác vượt hạn ngạch đáng kể. Theo báo cáo mới nhất từ OPEC, Kazakhstan là nước vi phạm hạn ngạch lớn nhất, với sản lượng trung bình 1,767 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2025, cao hơn mức cho phép là 1,468 triệu thùng/ngày. Nigeria cũng sản xuất vượt hạn ngạch, nhưng chỉ ở mức khoảng 70.000 thùng/ngày.

Lo ngại từ chính sách thuế và các nhà máy lọc dầu đóng cửa

Ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia lo ngại rằng chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu thô, do thuế quan làm tăng giá hàng hóa. Một số loại thuế, đặc biệt là thuế thép và nhôm mà chính quyền ông Trump công bố gần đây, có thể khiến chi phí sản xuất trong ngành dầu khí tăng lên, dù tác động dự kiến không quá lớn.

Tuy nhiên, lĩnh vực lọc dầu tại Mỹ có thể chứng kiến những thay đổi đáng kể. Khoảng 400.000 thùng/ngày công suất lọc dầu dự kiến sẽ bị đóng cửa trong năm nay. Hai nhà máy lọc dầu – một ở Los Angeles và một ở Houston – sẽ ngừng hoạt động vào năm 2025, khiến lượng dầu thô chưa qua tinh chế tăng lên trên thị trường.

Theo Giám đốc điều hành (CEO) của Vitol, Russell Hardy, diễn biến hiện tại về cung – cầu có thể đẩy giá dầu xuống mức thấp trong khoảng 60 – 80 USD/thùng. Ông cũng dự báo giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) có thể giảm xuống dưới 60 USD/thùng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, ông Hardy lưu ý rằng các đợt giá giảm trước đây do khai thác quá mức thường dẫn đến sự điều chỉnh tự nhiên, và tình hình hiện tại cũng có thể diễn biến tương tự.

Cạnh tranh với năng lượng tái tạo

Một cơ sở khai thác dầu tại thành phố Kirkuk, miền bắc Iraq. Ảnh: AFP/ TTXVN

Một số nhà phân tích cho rằng thế giới đang bước vào kỷ nguyên “giao dịch dầu mỏ đạt đỉnh”. Theo ông Jeff Currie, cựu chuyên gia của Goldman Sachs và hiện là cố vấn tại Carlyle, thương mại dầu mỏ quốc tế đã đạt đỉnh vào năm 2017 và đang suy giảm do sự phát triển của điện gió và điện Mặt Trời tại địa phương.

Ông Currie viết trong một báo cáo rằng: “Tỷ lệ tiêu thụ năng lượng toàn cầu đến từ nhiên liệu hóa thạch được giao dịch xuyên biên giới đã đạt đỉnh vào năm 2017 và từ đó giảm 5%”. Ông cũng cho rằng thương mại dầu mỏ đang trở nên dễ tổn thương hơn trước những chính sách như thuế quan của ông Trump, điều này có thể thúc đẩy sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, báo cáo năng lượng mới nhất của JP Morgan lại phản bác quan điểm này. Theo ông Michael Cembalest, tác giả của báo cáo, dù thế giới đã chi khoảng 9.000 tỷ USD trong thập kỷ qua để phát triển điện gió, điện Mặt Trời, xe điện và các hệ thống lưu trữ năng lượng, nhưng quá trình chuyển đổi vẫn diễn ra chậm, với tốc độ tăng trưởng chỉ 0,3 – 0,6% mỗi năm trong tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng.

Triển vọng giá dầu biến động mạnh

Bức tranh thị trường dầu hiện tại có thể không hoàn toàn phản ánh đúng thực tế. Nhu cầu dầu đã nhiều lần vượt dự báo, như hồi năm ngoái khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự đoán nhu cầu nhiên liệu sẽ suy giảm vào cuối mùa Xuân, nhưng thực tế lại đạt mức kỷ lục.

 

Bản thân IEA, dù vừa cảnh báo về dư cung, nhưng mới đây tại CERAWeek, Giám đốc điều hành của tổ chức này lại kêu gọi tăng đầu tư vào dầu khí. Ông nhấn mạnh: “Thế giới vẫn cần đầu tư vào thăm dò và khai thác dầu khí, không có gì phải bàn cãi”. Điều này hoàn toàn trái ngược với báo cáo “Lộ trình đạt Net Zero” của IEA bốn năm trước, khi tổ chức này tuyên bố thế giới không cần thêm đầu tư vào dầu khí vì quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ thành công.

Tóm lại, giá dầu dường như đang trong giai đoạn suy giảm kéo dài khi nguồn cung liên tục vượt nhu cầu và các nhà sản xuất vẫn chưa chịu áp lực đủ lớn để cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, phần lớn nhận định trên đều dựa vào dự báo. Nếu các ước tính này sai lệch, thị trường có thể chứng kiến một đợt điều chỉnh giá mạnh, tùy thuộc vào mức độ chính xác của các dự báo hiện tại.

Đánh giá