VN-Index lên mức cao mới, khối ngoại mua ròng liên tiếp 3 phiên

Sau phiên tăng nhẹ kèm mức thanh khoản hồi phục đáng kể hôm qua, thị trường mở cửa trong sắc đỏ khi bước sang phiên giao dịch sáng 7/5, chịu ảnh hưởng từ lực bán xuất hiện cuối phiên trước. Tuy nhiên, lực cầu nhanh chóng nhập cuộc, tập trung vào nhóm cổ phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản và năng lượng, giúp VN-Index đảo chiều tăng điểm và tiếp cận lại mốc kháng cự quan trọng. Dù vậy, đây tiếp tục là vùng áp lực lớn khiến chỉ số không thể bứt phá và dần thu hẹp đà tăng về cuối phiên sáng.

Diễn biến thị trường nhìn chung thể hiện trạng thái giằng co khi lực cầu cải thiện nhưng chưa đủ mạnh để tạo ra đột phá. Tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng, đặc biệt khi chỉ số tiệm cận ngưỡng cản, khiến hoạt động chốt lời ngắn hạn diễn ra ở nhiều cổ phiếu vốn đã tăng mạnh trong các phiên trước.

Sang đến phiên chiều, giao dịch trở nên tích cực hơn khi dòng tiền đẩy mạnh vào hai nhóm ngành bất động sản và năng lượng. Cùng với đó, một số cổ phiếu trụ cột vẫn giữ được sự tích cực nên tạo động lực giữ đà tăng của VN-Index.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,42 điểm (0,68%) lên 1.250,37 điểm. HNX-Index tăng 0,52 điểm (0,24%) lên 213,41 điểm. UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,02%) xuống 92,92 điểm. Thị trường ghi nhận 402 mã tăng trong khi có 337 mã giảm. Số mã tăng trần là 29 trong khi có 17 mã giảm sàn.

Sự phân hóa rõ nét ở phiên hôm nay tiếp tục hiện diện ở các nhóm ngành dẫn dắt. Trong khi một số nhóm như năng lượng, bất động sản vẫn giữ được sắc xanh nhờ dòng tiền đầu cơ, các nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là ngân hàng và chứng khoán lại chứng kiến nhịp suy yếu nhẹ.

 

Riêng nhóm cổ phiếu thuộc rổ chỉ số lớn dao động trong biên độ hẹp với tỷ lệ tăng – giảm gần như cân bằng, cho thấy thị trường vẫn đang trong giai đoạn dò hướng. Trong nhóm VN30 có 14 mã tăng trong khi cũng có 11 mã giảm giá. Các cổ phiếu như VIC hay VHM đều tăng giá tốt. VIC tăng đến 4,11% còn VHM tăng 1,81%. VIC đóng góp lớn nhất cho VN-Index với 2,64 điểm, còn VHM đóng góp 1,08 điểm.

BSR và HVN là hai cổ phiếu bất ngờ nằm trong top các mã tác động tích cực nhất đến VN-Index. Cổ phiếu Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tăng kịch trần lên 17.650 đông/cổ phiếu, còn cổ phiếu Vietnam Airline (HVN) tăng 4,17%.

Top cổ phiếu tác động đến VN-Index ngày 7/5.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, dòng tiền tập trung mạnh và đưa các cổ phiếu như NLG, HDC, KDH, NHA, NVL… bứt phá mạnh. Trong đó, NLG được kéo lên mức giá trần, HDC tăng 5,6%, KDH tăng 5,5%.

Nhóm bất động sản được hưởng thông tin tích cực khi sáng 5/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và tình hình triển khai những tháng đầu năm 2025. Theo báo cáo, Chính phủ đã hoàn tất rà soát và đang đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho hơn 2.200 dự án với tổng vốn đầu tư gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD), trên tổng diện tích sử dụng đất khoảng 347.000 ha.

Trong khi đó, với nhóm cổ phiếu điện, năng lượng, POW tăng đến hơn 4%, có thời điểm cổ phiếu này cũng được kéo lên mức giá trần 13.050 đồng/cổ phiếu. Các mã như NT2, KHP… cũng đồng loạt tăng giá tốt.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu ngân hàng như HDB, MBB, CTG, BID… đều chìm trong sắc đỏ, dù vậy đa số các mã này đều không giảm quá sâu. HDB giảm 1,4%, MBB giảm 1,3%, CTG giảm 0,4%… Bên cạnh đó, các mã như MSN, SSI, PLX, MWG… cũng chìm trong sắc đỏ. PLX giảm 1,2%.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý I/2025 đạt 211 tỷ đồng, giảm tới 81% so với cùng kỳ; lợi nhuận Công ty mẹ cũng giảm đến 88%, còn 133 tỷ đồng. PLX cho biết, lợi nhuận quý I giảm mạnh chủ yếu do hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn từ diễn biến thị trường toàn cầu. Cụ thể, giá dầu thô WTI giảm từ mức 77,8 USD/thùng đầu quý xuống còn 67,04 USD/thùng vào cuối quý. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá vốn và dẫn đến việc tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Khối ngoại nối dài ba phiên mua ròng liên tiếp.

Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt 17.198 tỷ đồng, giảm 4% so với phiên trước, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 15.438 tỷ đồng, giảm 4%. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 961 tỷ đồng và 545 tỷ đồng.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng 905 tỷ đồng trên HoSE, trong đó, dòng vốn này mua ròng mạnh nhất mã DXG với 105 tỷ đồng, NLG và GEX đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VRE bị bán ròng mạnh nhất với 78 tỷ đồng. VCB đứng sau với giá trị bán ròng 58 tỷ đồng.

Đánh giá