Giá lúa, gạo giảm trên thị trường nông sản

Giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 5.450 đồng/kg, giá bình quân là 5.297 đồng/kg, giảm 43 đồng/kg. Ảnh: Tuấn Phi – TTXVN

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo châu Á tiếp tục trầm lắng do nhu cầu vẫn yếu.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 5.450 đồng/kg, giá bình quân là 5.297 đồng/kg, giảm 43 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho trung bình ở mức 6.483 đồng/kg, giảm 67 đồng/kg; giá cao nhất là 6.650 đồng/kg.

Giá các mặt hàng gạo cũng có sự điều chỉnh giảm. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 10.200 đồng/kg, giá bình quân 9.529 đồng/kg, giảm 193 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.800 đồng/kg, giá bình quân 9.2430 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.450 đồng/kg, giá bình quân 8.893 đồng/kg, cũng giảm 200 đồng/kg.

 

Giá gạo xát trắng loại 1 tăng 10 đồng/kg, giá trung bình là 10.650 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 giảm 25 đồng/kg, trung bình là 9.142 đồng/kg.

Theo Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, tuần qua, giá lúa khô loại IR 50404 ở Cần Thơ là 7.900 đồng/kg, Vĩnh Long duy trì ở mức 6.600 đồng/kg; Đồng Tháp là 6.600 đồng/kg… Với OM 18, tại Cần Thơ là 7.400 đồng/kg; Đồng Tháp là 7.000 đồng/kg,…

Với lúa Jasmine, tại Cần Thơ là 8.400 đồng/kg; Đồng Tháp là 7.000 đồng/kg. ST 25 tại Cần Thơ vẫn là 9.500 đồng/kg…

Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang, giá một số loại lúa tươi được thương lái thu mua như: lúa IR 50404 ở mức từ 5.560 – 5.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; lúa OM 380 từ 5.700 – 5.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động mốc 5.800 – 6.000 đồng/kg; OM 18 và Nàng hoa từ 6.000 – 6.200 đồng/kg…

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 14.500 – 15.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 – 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 16.000 – 18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; gạo Sóc thường dao động ở mốc 17.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 20.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg…

Giá gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 7.600 – 7.700 đồng/kg, gạo thành phẩm IR 504 từ 9.600 – 9.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 từ 7.400 – 7.500 đồng/kg; gạo thành phẩm OM 380 dao động ở mức 8.800 – 9.000 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 7.000 – 9.000 đồng/kg. Giá cám khô ở mức 8.000 –9.000 đồng/kg.

Hệ thống băng chuyền vận chuyển gạo thành phẩm phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Hữu Chí – TTXVN

Về xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 382 USD/tấn trong tuần này, bằng với mức của tuần trước. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết gần đây không thấy có sự cải thiện nào về nhu cầu vì không có nhiều hợp đồng mới được đàm phán.

Nhìn chung, thị trường xuất khẩu gạo châu Á tiếp tục trầm lắng trong tuần qua, với giá gạo của Ấn Độ giảm nhẹ, Thái Lan vẫn ổn định. Nhu cầu yếu đã khiến người mua “án binh”.

Loại gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức từ 380-385 USD/tấn, giảm so với mức từ 382-387 USD/tấn của tuần trước. Trong khi đó, gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ trong tuần này có giá từ từ 374-380 USD/tấn.

Một thương nhân tại New Delhi cho biết người mua đang hoãn các giao dịch mua vào do giá tại những quốc gia xuất khẩu hàng đầu đang trong giai đoạn điều chỉnh.

Gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 380 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước. Một thương nhân tại Bangkok cho biết có ít người mua, do đó triển vọng không mấy sáng sủa. Một thương nhân cho biết giá có thể giảm vào đầu tháng Tám khi vụ lúa mới được tung ra thị trường.

Trong khi đó, tại Bangladesh, giá gạo nội địa vẫn ở mức cao bất chấp nguồn dự trữ dồi dào, gây tác động nặng nề đến người tiêu dùng.

 

Về thị trường nông sản Mỹ, giá ngô kỳ hạn tại Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã xuống thấp, trong khi giá đậu tương kỳ hạn cũng sụt giảm trong phiên 11/7, trước những dự đoán rằng thời tiết thuận lợi sẽ dẫn đến các vụ mùa bội thu tại Mỹ.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã công bố báo cáo hàng tháng, trong đó giữ nguyên các ước tính về sản lượng so với báo cáo hồi tháng Sáu, tuy nhiên các nhà giao dịch dự báo rằng sản lượng sẽ tăng lên nếu điều kiện thời tiết tiếp tục thuận lợi.

Ông Chuck Shelby, nhà môi giới của công ty Risk Management Commodities, cho biết lượng mưa dồi dào trên khắp cả nước cùng với nhiệt độ mát mẻ hơn có thể giúp sản lượng ngô tăng.

Giá ngô phiên 11/7 giảm 4,25 xu Mỹ, xuống còn 4,1225 USD/bushel, gần mức thấp nhất trong 8 tháng được ghi nhận vào cuối tháng Sáu. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá đậu tương giảm 6,5 xu Mỹ, xuống còn 10,0725 USD/bushel, và giao dịch gần mức thấp nhất trong ba tháng.

Giá lúa mỳ đóng cửa phiên 11/7 giảm 9,5 xu Mỹ, xuống còn 5,45 USD/bushel, sau khi có thời điểm tăng lên mức cao nhất trong một tuần.

Thị trường cà phê thế giới cho thấy, trong phiên giao dịch ngày 11/7, giá cà phê Robusta và Arabica đều chìm trong sắc đỏ. Trên sàn London, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2025 giảm 104 USD/tấn, xuống còn 3.216 USD/tấn, trong khi kỳ hạn giao tháng 11/2025 giảm 104 USD, xuống 3.170 USD/tấn. Trên sàn New York, giá cà phê Arabica cũng giảm nhẹ về quanh mức 280-286 xu Mỹ/pound (1 pound = 0,45kg).

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đợt giảm giá sâu lần này là do nguồn cung dồi dào từ Brazil và Indonesia, hai quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, thông tin Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa từ Brazil và Indonesia khiến thị trường xuất khẩu bị xáo trộn, tâm lý nhà đầu tư thêm bất ổn. Động thái bán tháo của các quỹ đầu cơ trước kỳ nghỉ cuối tuần, cùng với sự mất giá của đồng real Brazil và đồng USD tăng mạnh, cũng góp phần tạo áp lực lên giá cà phê toàn cầu.

Trước áp lực từ thị trường thế giới, ngày 12/7, thị trường cà phê trong nước tiếp tục ghi nhận đà lao dốc mạnh, với mức giảm từ 2.300 – 2.800 đồng/kg tại hầu hết các địa phương trọng điểm. Đây được xem là phiên giảm sâu nhất trong vòng hơn một năm qua, đưa giá cà phê về vùng thấp mới, dao động quanh mức 89.500 – 90.300 đồng/kg.

Đánh giá